Ra mắt thí điểm “Hệ sinh thái số” của Ủy ban MTTQVN thành phố Hải Phòng

Chiều 16/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 89-CTr/TU ngày 25/02/2025 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; ra mắt thí điểm Hệ sinh thái số của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.

Các đại biểu nhấn nút ra mắt thí điểm Hệ sinh thái số của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng

Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Cao Xuân Thạo, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Vận động xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Văn Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Hanh, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Đức Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương.

Các đại biểu dự Hội nghị

Cùng dự có lãnh đạo: Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an thành phố, các tổ chức thành viên Mặt trận, Cổng Thông tin điện tử thành phố.

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Đào Trọng Đức phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu quận, huyện và thành phố Thủy Nguyên.

Khẳng định vai trò trung tâm trong chuyển đổi số

Hệ sinh thái số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt kết nối toàn diện hoạt động của hệ thống chính trị. Trung tâm dữ liệu Mặt trận là hạt nhân của hệ sinh thái, là nơi tích hợp các nền tảng công nghệ hiện đại nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thống kê, dự báo, phối hợp liên ngành và tương tác với người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Bùi Văn Bắc báo cáo tại Hội nghị

Hệ sinh thái số gồm ba phân khu chính: Khu vực tác nghiệp, tích hợp nhiều ứng dụng như Văn phòng điện tử, Hộp thư công vụ, Thư viện pháp luật, Cổng thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, hệ thống quản lý đơn thư, tài liệu họp không giấy, dịch vụ công, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khu vực trợ lý ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ tác nghiệp nhanh chóng và thông minh; khu vực thống kê, trực quan hóa số liệu qua biểu đồ để phục vụ công tác theo dõi, đánh giá.

Đặc biệt, hệ thống tích hợp hàng loạt tính năng tiên tiến như: Bản tin công tác Mặt trận chuyển đổi định dạng thành sách điện tử, chuyển file văn bản thành file âm thanh sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo (AI), giúp người dân tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với nhiều lứa tuổi, đối tượng; hệ thống tin tức tự động cập nhật và đẩy về cổng thông tin; tích hợp công cụ chatbox sử dụng AI hỗ trợ tra cứu, tương tác. Người dùng có thể truy cập hệ thống qua website hoặc ứng dụng “Hải Phòng Smart” trên máy tính, điện thoại và các thiết bị thông minh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thực hiện nghi thức ấn nút ra mắt thí điểm “Hệ sinh thái số” của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của MTTQ thành phố.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định, việc xây dựng và triển khai thí điểm Hệ sinh thái số không chỉ là bước đi sáng tạo, quyết liệt và đầy ý nghĩa của hệ thống Mặt trận chào mừng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” mà Hải Phòng mới được phong tặng mà còn thể hiện rõ vai trò tiên phong, đồng hành cùng thành phố trong quá trình chuyển đổi số, góp phần cụ thể hóa các nhiệm vụ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Hải Phòng.

Đồng chí đề nghị hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, là quá trình đầu tư liên tục, lâu dài. MTTQ các cấp thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 57 và Chương trình hành động số 89 với hình thức sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, làm sao để từng cán bộ, từng người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Thường xuyên đổi mới nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, gắn  rõ với yêu cầu chuyển đổi số. Chú trọng đầu tư cho đội ngũ cán bộ và các tổ chức chính trị – xã hội theo hướng trẻ hóa, chuyên nghiệp hóa, và số hóa đội ngũ để tạo nên thế hệ cán bộ có tư duy số, kỹ năng số và phong cách làm việc hiện đại.

Đối với mô hình Hệ sinh thái số hệ thống Mặt trận cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, bảo đảm triển khai đi vào thực chất, phản ánh chất lượng quản lý của tổ chức, tránh hình thức và lấy hiệu quả phục vụ người dân làm thước đo cao nhất. Đồng chí nhấn mạnh, để hoàn thành khát vọng phát triển đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, cần phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc lan tỏa tinh thần đổi mới, huy động sức mạnh nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và khơi dậy khát vọng phát triển trong thời đại số.

Cán bộ Mặt trận các cấp thành phố đồng thuận, quyết tâm và chủ động trong quá trình chuyển đổi số

Việc ra mắt hệ sinh thái số là bước chuyển căn bản trong mô hình hoạt động của hệ thống Mặt trận, không chỉ phục vụ công tác tuyên truyền, vận động mà còn hỗ trợ mạnh mẽ trong phân tích dữ liệu xã hội, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện. Để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, tại hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Đào Trọng Đức cho biết hệ thống MTTQ các cấp thành phố sẽ tích cực triển khai một số nhiệm vụ trong tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về ý nghĩa, vai trò và lợi ích thiết thực của Hệ sinh thái số và Trợ lý ảo, nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, thúc đẩy tinh thần chủ động, sáng tạo trong mỗi cán bộ Mặt trận, đáp ứng yêu cầu của thời đại số. Tiếp tục hoàn thiện Hệ sinh thái số với những giải pháp mang tính đột phá; nâng cấp Trợ lý ảo theo hướng thông minh, thân thiện, dễ sử dụng; thường xuyên đánh giá, kịp thời tiếp nhận phản hồi để điều chỉnh, khắc phục bất cập, đảm bảo hệ thống vận hành linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và năng lực số cho cán bộ Mặt trận các cấp, biến công nghệ thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ. Phát triển Hệ sinh thái số gắn với xây dựng cộng đồng Công dân số, trong đó MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội giữ vai trò nòng cốt trong vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ, tham gia vào không gian số. Hệ sinh thái sẽ được tiếp tục hoàn thiện dựa trên phản hồi thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, tăng hiệu quả phục vụ nhân dân.

Đồng chí khẳng định thành công của mô hình không chỉ ở ứng dụng công nghệ mà còn ở việc thay đổi tư duy, phương thức lãnh đạo, tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, sự tham gia của người dân. Đồng thời tin tưởng rằng, với mô hình tổ chức mới này năng suất lao động của cán bộ Mặt trận ở các cấp phải tăng lên từ 2-4 lần.

Đại diện Cổng thông tin điện tử thành phố hướng dẫn cài đặt, khai thác và sử dụng hiệu quả ứng dụng “Hệ sinh thái số” của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và ứng dụng “Công dân số Hải Phòng” (Smart Hải Phòng)

Tiếp nối chương trình, cán bộ Mặt trận các cấp đã được phổ biến, hướng dẫn cài đặt, khai thác và sử dụng hiệu quả ứng dụng “Hệ sinh thái số” của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và ứng dụng “Công dân số Hải Phòng” (Smart Hải Phòng). Đồng thời, Hội nghị cũng dành thời gian tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh mạng và hướng dẫn phòng, chống tội phạm công nghệ cao, một nội dung quan trọng trong xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển bền vững thành phố.

Việc triển khai Hệ sinh thái số khẳng định quyết tâm chính trị và tinh thần tiên phong đổi mới của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng trong ứng dụng công nghệ số phục vụ nhân dân. Đây là bước đi thiết thực nhằm hiện đại hóa công tác Mặt trận, góp phần kiến tạo một không gian số dân chủ, công khai, minh bạch; đưa hoạt động của Mặt trận đến gần hơn với người dân, hình thành nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng Chính quyền số, Xã hội số, Công dân số tại thành phố Hải Phòng, đồng thời lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong kỷ nguyên số.