Có một quãng thời gian đặc biệt trong lịch sử Hải Phòng – không dài như một cuộc chiến, không ngắn như một khoảnh khắc giao thời nhưng đã đủ để viết nên một thiên anh hùng ca bằng ý chí, bằng nước mắt và bằng cả những hy sinh thầm lặng. Đó là 300 ngày đấu tranh giải phóng thành phố Hải Phòng – từ tháng 7 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhưng Hải Phòng trở thành nơi tập kết 300 ngày của quân Pháp trước khi vĩnh viễn rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Với đặc thù của khu tập kết, nên tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp bởi tàn quân địch kéo về đây đông, với đủ loại quân, binh chủng, ngụy quân, ngụy quyền, tay sai, phản động và cả đồng bào bị ép di cư vào Nam… Việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hải Phòng lúc bấy giờ càng trở nên phức tạp, bởi đế quốc Mỹ và thực dân Pháp tăng cường cấu kết nhằm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. “300 ngày” tưởng chừng chỉ là thời gian chuyển tiếp giữa chiến tranh và hòa bình, giữa rút quân và tiếp quản – nhưng thực chất một trận chiến không tiếng súng. Trong trận chiến đặc biệt ấy, mỗi người dân Hải Phòng là một người lính chiến đấu bằng niềm tin, lòng kiên định và khát vọng hòa bình.
Đó là những đêm không ngủ của công nhân, lao động thành phố, cùng nhau gìn giữ gìn hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị, không để địch tháo dỡ mang đi; là những người mẹ, người vợ ngồi lì trước doanh trại địch hết ngày này qua ngày khác, khóc đòi chồng con bị bắt lính phải trở về; là những đoàn người chen chúc trong các trại di cư, đứng giữa ngã ba lựa chọn ở lại với quê hương hay rời bỏ tất cả để xuống tàu vào Nam, trong vòng vây của những lời hứa hão huyền và những đòn cưỡng ép trắng trợn của thực dân Pháp và tay sai Mỹ – Diệm.
(ảnh tư liệu)
Trong bối cảnh cam co đó, một trong những thủ đoạn thâm độc nhất mà kẻ thù sử dụng là lợi dụng đức tin tôn giáo để chia rẽ lòng người, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân. Chúng rêu rao, xuyên tạc là “Cộng sản phá đạo”, “Chúa đã vào Nam”, để gieo rắc hoang mang, kích động làn sóng di cư. Nhưng nhân dân ta đã không để điều đó xảy ra, Cán bộ, chiến sĩ, đoàn thể cách mạng đã kịp thời vào cuộc – len lỏi đến từng xóm đạo, từng trại di cư, kiên trì vận động, thuyết phục, giải thích bằng cả lý lẽ và tình người, chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ về tự do tín ngưỡng, sống tốt đời đẹp đạo, đoàn kết lương – giáo đã được truyền tải tới tận trái tim đồng bào.
Những lời dối trá bị vạch trần, niềm tin dần được thắp lại. Nhiều giáo dân từ chỗ hoang mang, do dự đã vững tâm ở lại, trở về với quê hương, với đồng bào ruột thịt, cùng nhau dựng xây cuộc sống mới trong hòa bình.
Ngày 13 tháng 5 năm 1955 – Người dân Hải Phòng vỡ òa trong hạnh phúc. Bộ đội tiến vào thành phố, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố phường, chiếc tàu cuối cùng chở quân Pháp rời khỏi bến Cảng, kết thúc 83 năm đô hộ và 300 ngày đấu tranh thầm lặng nhưng kiên cường. Giây phút ấy không chỉ đánh dấu sự giải phóng của một thành phố, mà còn khẳng định vị thế mới của Hải Phòng từ vùng đất đầu sóng ngọn gió trở thành điểm giữ lửa cách mạng, là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và niềm tin vào con đường độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhân dân Hải Phòng chào đón bộ đội vào tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955. Ảnh: Tư liệu
70 năm trôi qua, nhưng mỗi ngõ phố, mỗi con đường hôm nay đều in bóng những người cha, người mẹ, người công nhân, học sinh, linh mục, chiến sĩ… từng góp mặt trong những ngày tháng không thể lãng quên ấy.
Hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025), chúng ta không chỉ nhớ lại quá khứ để tự hào, mà còn để nuôi dưỡng tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng” trong hành trình xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Hải Phòng đổi mới hiện nay
Hải Phòng hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, nhưng đừng bao giờ quên 300 ngày ấy – những ngày không thể lãng quên.
Đặng Hà