Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận người bệnh mắc cúm mùa, chủ yếu là ca bệnh cúm A. Trong điều kiện thời tiết Đông Xuân thuận lợi cho các virus gây bệnh phát triển, đòi hỏi người dân cần chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa hiệu quả.
Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ghi nhận số ca bệnh cúm A trung bình khoảng 10 ca/ngày, ngày nhiều nhất có tới 20 ca bệnh. Triệu chứng chủ yếu của người bệnh là viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi kèm sốt, đau mỏi toàn thân; một số ca bệnh nặng có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, ho đờm. Số ca bệnh cúm mùa gia tăng song đây là bệnh thông thường theo mùa, lây nhiễm thông qua giọt bắn, nhiều người mắc virus cúm A không điều trị bệnh cũng có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt mắc cúm mùa có nguy cơ biến chứng nguy hiểm, nhất là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền có thể bị suy hô hấp, viêm cơ tim, suy tạng thậm chí tử vong hoặc ở phụ nữ có thai, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ khi mắc cúm có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Với các trường hợp này cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, thấy biểu hiện bất thường như khó thở, đau ngực, bất tỉnh cần đưa tới cơ sở y tế ngay.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố đã ban hành công văn số 325/MTTQ-BTT ngày 12/02/2025 về phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó hướng dẫn MTTQ cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chung như: Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, đeo khẩu trang, khai báo y tế, cách ly y tế, tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch…
Trong đó tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Người dân nên đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Cùng với đó, tiêm vaccine cúm mùa để phòng bệnh.
Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Các nghiên cứu cho thấy, những người đã tiêm vaccine cúm có nguy cơ phải vào viện chăm sóc đặc biệt (ICU) thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm thấp hơn 31% so với người chưa tiêm. Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Người dân không tự ý sử dụng thuốc trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ
Để phòng bệnh, không ít người tìm mua thuốc Tamiflu để dự trữ trong nhà. Tamiflu là thuốc kê đơn, chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ, với liều lượng chính xác theo cân nặng và độ tuổi. Việc người dân ồ ạt tự mua thuốc đặc trị cúm gây ra tình trạng khan hiếm rất nguy hiểm dẫn đến nhiều người cần dùng thuốc, nhưng không có để mua. Do đó, giá thuốc Tamiflu cũng đang bị đẩy lên khá cao.
Mặt khác, các tác dụng phụ của Tamiflu gồm buồn nôn và nôn, tiêu chảy, nhức đầu, tăng gánh nặng đào thải với gan. Nếu sử dụng Tamiflu không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Lạm dụng Tamiflu, ngoài tốn tiền còn không mang lại hiệu quả, đồng thời khiến tình trạng kháng thuốc gia tăng, người bệnh chịu thêm nhiều tác dụng phụ, “tiền mất, tật mang”./.
Thiên Long