Giám sát việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục và thu chi tại Sở Giáo dục – Đào tạo Hải Phòng

Sáng 16/01, Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố do đồng chí Cao Xuân Liên, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố làm Trưởng đoàn giám sát việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục và thu chi trong trường học tại Sở Giáo dục – Đào tạo Hải Phòng. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQVN thành phố; lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND thành phố; Sở Tài chính thành phố; Cục Thuế thành phố; lãnh đạo UBND huyện Kiến Thuỵ, UBND quận Ngô Quyền; đại diện các phòng, ban thuộc Sở Giáo dục – Đào tạo và Hiệu trưởng các trường đã được giám sát, khảo sát.

Hiện nay, toàn thành phố có 307 trường mầm non, 202 trường tiểu học, 182 trường THCS, 66 trường THPT với 535.580 học sinh; 34.395 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó cán bộ quản lý: 2.085, giáo viên: 26.937, nhân viên: 5.373).

Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Kiệm báo cáo tại buổi giám sát

Công tác quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm, liên kết giáo dục và thu chi của Sở GDĐT được thực hiện bám sát các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT và chỉ đạo của UBND thành phố. Sở đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai thực hiện theo đúng quy định. Công tác dạy thêm học thêm trong trường học được thực hiện trên tinh thần tôn trọng nhu cầu và sự tự nguyện tham gia của người học. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính đã ban hành các Hướng dẫn liên Sở, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, sử dụng các khoản thu dịch vụ tại các cơ sở công lập theo quy định. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc thực hiện thu, thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động phối hợp, liên kết giáo dục được thực hiện trên cơ sở pháp lý do Chính phủ, Bộ GDĐT quy định. Tuy nhiên, một số nhà trường liên kết cùng một lúc nhiều chương trình như: Ngoại ngữ có yếu tố người nước ngoài, kỹ năng sống, Stem, toán tư duy… gây quá tải và làm ảnh hưởng đến thời gian vui chơi, tham gia các câu lạc bộ theo sở thích của học sinh, tạo áp lực cho phụ huynh về các khoản đóng góp.

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố Đỗ Tràng Thành phát biểu tại buổi giám sát

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, thu chi như: Việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; công tác quản lý và chất lượng giáo dục của các trung tâm phối hợp liên kết; việc cấp kinh phí hỗ trợ chương trình đào tạo; việc tính thuế đối với khoản thu dạy thêm học thêm khi chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, thu chi tại các trường học… Đồng thời kiến nghị cần đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để thực hiện công tác quản lý chặt chẽ hơn; rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trên cơ sở phù hợp với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực tiễn tại các cơ sở giáo dục.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cao Xuân Liên phát biểu kết luận tại buổi giám sát

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cao Xuân Liên đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo trong thời gian qua. Tuy nhiên, còn một số nhà trường thực hiện việc dạy thêm học thêm, liên kết giáo dục chưa nghiêm túc theo quy định, đặc biệt là cấp tiểu học, chưa thể hiện được sự tự nguyện của học sinh, gây dư luận đối với việc dạy thêm học thêm. Đồng chí đề nghị Sở phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh về việc dạy thêm học thêm; phối hợp chặt chẽ với các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý các đơn vị giáo dục thuộc thẩm quyền trên địa bàn; làm tốt công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động liên kết giáo dục; đề xuất các cơ chế chính sách riêng kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Giáo dục – Đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm trong việc dạy thêm học thêm, liên kết giáo dục và thu chi trong các nhà trường.

TN