Sáng 13/6, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN thành phố tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 tại thành phố Hải Phòng. Đồng chí Đỗ Tràng Thành, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Ban Dân vận Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố; các tổ chức chính trị – xã hội thành phố; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật, Kinh tế – Xã hội của Uỷ ban MTTQVN thành phố.
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố Đỗ Tràng Thành phát biểu tại hội nghị
Thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 trên địa bàn 137 xã (trừ 4 xã Đồng Bài, nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Văn Phong của huyện Cát Hải), 7 huyện (trừ huyện Bạch Long Vỹ) và được thực hiện theo 3 mức độ: Nông thôn mới – nông thôn mới nâng cao – nông thôn mới kiểu mẫu; 3 cấp độ: cấp xã – cấp huyện – cấp thành phố (Theo quy định của Trung ương về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025). Đến tháng 6/2023, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, là một trong những tỉnh, thành dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày dự thảo đề án
Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Bạch Long Vỹ đạt chuẩn huyện NTM (theo tiêu chí đặc thù sau khi có hướng dẫn của Trung ương); 04 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn huyện NTM nâng cao (tiếp tục thực hiện hoàn thành tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu sau khi có hướng dẫn cụ thể của Trung ương); 02 huyện An Dương, Thủy Nguyên thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với thực hiện xây dựng để chuyển đổi thành đô thị trước năm 2025 (huyện An Dương chuyển đổi thành quận, huyện Thủy Nguyên chuyển đổi thành thành phố). Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 85 triệu đồng/người/ năm. Không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. 100% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn; 50% số hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; 98% chất thải rắn được thu gom, xử lý; 100% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải tạo và phục hồi môi trường; 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% người dân tham gia Bảo hiểm y tế; 100% các xã có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị
Tại Hội nghị đã có 9 ý kiến phát biểu tham gia vào dự thảo Đề án. Các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, đầy đủ của cơ quan soạn thảo. Về cơ bản Đề án có kết cấu hợp lý, khoa học; thời lượng nội dung thông tin ở các chương mục cân đối, phù hợp; đánh giá được một cách toàn diện các kết quả đã đạt được về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 và hai năm đầu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Đề nghị xây dựng toàn diện, đồng bộ các tiêu chí và phân tích, làm rõ nguyên nhân của việc các chỉ tiêu đạt thấp (Thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số); hiệu quả của việc thực hiện cơ chế lồng ghép các chương trình hỗ trợ khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 và nhiều Nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản; quan tâm tới chính sách đặc thù để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân; xây dựng đề án cần chú trọng đến tính bền vững của chương trình, độ tin cậy của hệ thống số liệu để đảm bảo tính khách quan, sát thực tiễn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố Đỗ Tràng Thành trân trọng cám ơn những ý kiến đóng góp có tính phản biện cao của các đại biểu. Các ý kiến thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nêu các quan điểm cụ thể, có trọng tâm, bám sát vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời đề nghị Ban chuyên môn tiếp thu trung thực, đầy đủ các ý kiến, tổng hợp nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 tại thành phố Hải Phòng, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, toàn diện, bền vững.
TN