(Nguyễn Đình Then – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng)
Hiến pháp năm 1992 được ban hành sau Đại hội lần thứ VI của Đảng trên cơ sở kế thừa Hiến pháp năm 1980 và tiếp thu những thành tựu sau 5 năm đổi mới đất nước. Hiến pháp năm 1992 là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản làm cơ sở cho việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật, pháp lệnh…của Nhà nước. Thực hiện Hiến pháp năm 1992 trong bối cảnh đất nước ta đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế, thu được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế- xã hội trong quá trình đổi mới đất nước; tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên xô và Đông Âu. Sau khi được ban hành, Hiến Pháp năm 1992 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Sau 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Hiến Pháp năm 1992 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Thực hiện Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp năm 1992, Kế hoạch số 05/KH- UBDTSĐHP ngày 23/8/2011 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-MTTW-BTT về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của hệ thống MTTQ Việt Nam, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo Tổng kết Hiến pháp năm 1992, tổ chức các đoàn khảo sát, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố, tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Ủy ban MTTQVN thành phố Hải Phòng tiến hành hội thảo khoa học và tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 nhằm đánh giá những ưu điểm nổi bật và những bất cập, khó khăn vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Hiến pháp, qua đó đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ của MTTQVN trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung về giám sát và phản biện của MTTQVN, các tổ chức chính trị xã hội và công dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước đại biểu dân cử và cán bộ công chức Nhà nước. Điều 9 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn nhất tại Việt Nam; tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc thể hiện ở việc các thành viên của Mặt trận mang tính rộng rãi, đa dạng, không phân biệt là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, các tôn giáo.
Mặt trận Tổ quốc đã thực sự là chỗ dựa của Đảng và chính quyền trong việc thực hiện tự do tín ngưỡng, hướng dẫn các tôn giáo hoạt động tại Việt Nam đảm bảo việc hoạt động của các tôn giáo, không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, tập hợp đoàn kết kiều bào và thân nhân kiều bào.
Hiến pháp năm 1992 qui định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước”. 20 năm qua, MTTQ các cấp đã thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền thành phố, thông qua các cấp Mặt trận, nhân dân thành phố đã thực hiện quyền tự do dân chủ bằng việc thực hiện các quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình với Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc là cơ quan chủ trì hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; vận động, động viên nhân dân tích cực ra ứng cử và đi bầu cử xây dựng cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã tích cực phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân thông qua các phong trào, các cuộc vận động như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… các cuộc vận động đột xuất ủng hộ đồng bào bị thiên tai, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, vận động nhân dân giữ gìn kỷ cương phép nước, phát huy quyền làm chủ, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp hoạt động, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử; phối hợp giám sát việc thực hiện các qui định của pháp luật, nghị quyết của HĐND, chương trình kế hoạch của UBND đối với các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức, qua đó tổng hợp ý kiến của cử tri và các tổ chức thành viên của Mặt trận kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng kịp thời người tốt, việc tốt; xem xét giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, không hoàn thành nhiệm vụ.
Thông qua việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt ở cấp xã, phường theo qui định, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những cán bộ không đạt tín nhiệm của nhân dân, qua đó nâng cao được vị thế của Mặt trận và tạo được sự tin tưởng của nhân dân về hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát theo qui định của Hiến pháp và pháp luật, MTTQ các cấp thành phố đã được HĐND, các đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội và các cơ quan nhà nước tích cực phối hợp, vì vậy công tác giám sát của Mặt trận ngày đạt hiệu quả, nâng cao vị thế của Mặt trận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
– Tuy nhiên, việc thực hiện Hiến pháp 1992 và những quy định của Hiến pháp về vị trí, vai trò của MTTQVN cần phải được sửa đổi, bổ sung ở một số điểm sau:
– Về sửa đổi, bổ sung Điều 9:
Đề nghị bổ sung nội dung về vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, xuất phát từ thể chế chính trị của nước ta, là vấn đề lịch sử, truyền thống, từ khi có Đảng là có Mặt trận. Sau khi giành được chính quyền, Đảng, chính quyền, Mặt trận là những bộ phận hợp thành hệ thống chính trị. Vị trí của MTTQVN trong hệ thống chính trị được quy định rõ mối quan hệ: với Đảng, Mặt trận do Đảng lãnh đạo, đồng thời Đảng là thành viên trong Mặt trận; với chính quyền, Mặt trận là cơ sở của chính quyền nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân ”. Vấn đề này cũng được quy định trong Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (năm 1999) và được thực hiện trong thực tiễn hơn 10 năm qua.
Bổ sung vai trò của MTTQVN: “Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội”
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã ghi: “MTTQVN và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…”. Quan điểm trên của Đảng ta về vai trò của MTTQVN là phù hợp với nhiệm vụ của MTTQVN trong thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, Mặt trận đã làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân trong các lĩnh vực tham gia xây dựng pháp luật; giám sát đại biểu dân cử, cán bộ công chức Nhà nước; giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo; tham gia thực hiện các chương trình kinh tế- xã hội của Nhà nước…Việc lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQVN vào các dự án luật, pháp lệnh được quy định trong Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đang được thực hiện khá hiệu quả. Song đó mới chỉ là hình thức ban đầu của “phản biện xã hội”. Để quy định rõ hơn về sự ràng buộc giữa cơ quan lấy ý kiến và cơ quan đóng góp ý kiến cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Cương lĩnh của Đảng, cần thiết bổ sung chức năng “phản biện xã hội” của MTTQ vào Hiến pháp.
Bổ sung nhiệm vụ của Mặt trận “tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước cho phù hợp với vị trí và hoạt động của Mặt trận như sau: “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách pháp luật, điều kiện đảm bảo để Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động có hiệu quả”.
Trải qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động to lớn và sâu sắc. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước lên thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020…trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 25 năm đổi mới đất nước đã xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…Vì vậy, giờ là lúc cần thiết để chúng ta có một bản Hiến pháp phù hợp. MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hải Phòng sẽ tích cực tham gia nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng nội dung Hiến pháp sửa đổi, bổ sung để đóng góp với Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.