Trang chủHoạt động MTTQ thành phốHỘI NGHỊ ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM...

HỘI NGHỊ ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM LẦN THỨ BA, KHÓA X

Ngày 17/4, tại Hà Nội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ ba khóa X để thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bắt tay đại biểu tham dự Hội nghị

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Hoàng Công Thủy, Tô Thị Bích Châu.

Chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đại biểu Ủy viên Trung ương Đảng là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch; lãnh đạo Ban Dân vận và Tuyên giáo Trung ương, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; Văn phòng Quốc hội cùng các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Bảo đảm cơ sở pháp lý để bộ máy vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2025

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam diễn ra trong không khí cả nước đang hân hoan chào mừng chuẩn bị kỷ niệm 50 ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025; đồng thời toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

“Đặc biệt, Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công rất tốt đẹp. Hội nghị Trung ương đã quyết định những nội dung quan trọng, mang tính cách mạng, có ý nghĩa lịch sử: Cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, để triển khai kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và chủ động, tích cực triển khai 9 nhiệm vụ được giao; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các luật chuyên ngành của các tổ chức chính trị – xã hội để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho sắp xếp, tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, bảo đảm đi vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2025.

Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước kể từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay.

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, từ những nội dung trên, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung:

Thứ nhất, về Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nội dung này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ và Trung ương các tổ chức chính trị – xã hội nghiên cứu, rà soát, đề xuất và xây dựng hồ sơ dự án các Luật này. Trân trọng đề nghị các vị Ủy viên Đoàn chủ tịch thảo luận, cho ý kiến đối với tờ trình Quốc hội về dự án luật và cho ý kiến cụ thể vào các điều khoản dự kiến sửa đổi, bổ sung trong các dự thảo Luật.

Thứ hai, về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đến thời điểm này, dự thảo Báo cáo tổng hợp được Ban Thường trực xây dựng trên cơ sở kết quả tập hợp của 54/63 báo cáo phản ánh tình hình, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; 15 báo cáo của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; các báo cáo của Ủy ban Dân nguyện, giám sát của Quốc hội; báo cáo của các ban chuyên môn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các nguồn thông tin tổng hợp khác.

“Báo cáo tổng hợp được kết cấu làm 3 phần: Phần thứ nhất phản ánh khái quát, tổng quan những sự kiện, vấn đề, nội dung nổi bật trong thời gian qua được cử tri và nhân dân quan tâm; Phần thứ 2 tập trung phản ánh 9 lĩnh vực cụ thể; Phần thứ 3: các nội dung kiến nghị cụ thể của Đoàn Chủ tịch Uỷ Ban Trung Ương MTTQ Việt Nam gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trên cở sở các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri và Nhân dân. Trân trọng đề nghị các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch đóng góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đảm bảo chất lượng, phản ánh được nhiều nhất các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.

Nhấn mạnh nội dung hội nghị rất quan trọng, thời gian hội nghị không nhiều, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cụ, các vị, các đồng chí phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi nội dung các Tờ trình do Ban Thường trực chuẩn bị. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực sẽ chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện các văn bản dự thảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày Tờ trình tại Hội nghị

Tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau khi được sắp xếp

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày dự thảo hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, để bảo đảm phù hợp với định hướng sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan trực tiếp tới tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương và Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và một số quy định về tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9, Điều 10, Điều 84 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau khi được sắp xếp, tổ chức lại theo Đề án đã được Ban chấp hành Trung ương phê duyệt.

Dự thảo Luật được xây dựng theo kỹ thuật “một văn bản sửa nhiều văn bản”, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật MTTQ Việt Nam, Điều 2 sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, Điều 3 sửa đổi, bổ sung Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Điều 4 sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, qua rà soát cho thấy còn có một số đạo luật khác có quy định liên quan tới nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, tuy nhiên, nội dung, quy định bị tác động, ảnh hưởng, cần sửa đổi không nhiều, chủ yếu là điều chỉnh lại để bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

“Hiện nay, Chính phủ và các cơ quan khác đang tiến hành rà soát, sửa đổi nhiều đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các luật có liên quan trực tiếp tới bộ máy nhà nước, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Ban Thường trực sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo các văn bản này để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, xử lý vấn đề về tổ chức bộ máy trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật này để phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của MTTQ Việt Nam sau sắp xếp”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.

Thông tin về những nội dung cần sửa đổi, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Ban Thường trực đã chỉ đạo trình Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; tổ chức nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật gồm Tờ trình Quốc hội và dự thảo Luật (dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật); xin ý kiến Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương theo quy định.

Ban Thường trực cũng gửi hồ sơ dự án Luật tới các thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập, các bộ, ngành, trung ương các tổ chức thành viên của MTTQ, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ban, đơn vị cơ quan Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để lấy ý kiến góp ý.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn đại biểu tập trung cho ý kiến làm rõ hơn nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTT Việt Nam nhất là nguyên tắc “tự nguyện, hiệp thương, dân chủ” và “độc lập tương đối”. Các quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam và của các tổ chức chính trị – xã hội khi thực hiện Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng về “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối với Luật Công đoàn còn một số nội dung cần tiếp tục được rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, như quy định về tổ chức công đoàn ngành trung ương tại Điều 4, về thẩm quyền trình dự án luật của Tổng liên đoàn tại Điều 13; về hoạt động giám sát, phản biện xã hội tại Điều 16, Điều 17; về vấn đề liên quan đến tài chính công đoàn… để phù hợp với tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tương tự, Luật Thanh niên vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục rà soát, bổ sung như quy định về tổ chức thanh nhiên tại Điều 27 về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Điều 28 để phù hợp với tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Nội dung báo cáo tập trung vào 9 vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cho biết, trên cơ sở kết quả tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ban Thường trực đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Báo cáo tổng hợp gồm 3 phần.

Theo đó, phần I tập trung phản ánh khái quát, tổng quan những sự kiện, vấn đề, nội dung nổi bật trong thời gian qua như: kết quả, ý nghĩa của Kỳ họp lần thứ 8 và Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV; kết quả, ý nghĩa của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; kết quả công tác sáp nhập, sắp xếp bộ máy Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; những nội dung mới trong quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; về các động lực phát triển đất nước, về hoạt động đối ngoại nổi bật của Đảng và Nhà nước.

Phần II đề cập vào 9 lĩnh vực cụ thể, gồm: Về phát triển kinh tế; Về lĩnh vực xã hội; Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Về lĩnh vực nội vụ, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Về công tác đối ngoại; Về lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở xã hội; Về việc xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân gửi tới các kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

“Tại mỗi lĩnh vực, dự thảo báo cáo trình bày khái quát, trọng tâm theo các nhóm nội dung như: những nội dung cử tri và Nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ; những nội dung cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng; những đề xuất, kiến nghị cụ thể của cử tri và Nhân dân đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu thông tin.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cho biết, từ những nội dung nêu trên, phần III của báo cáo tập trung vào những kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với Đảng, Nhà nước như Đảng và Nhà nước chỉ đạo sát sao việc sắp xếp bộ máy và tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp sau sắp xếp để đảm bảo hoạt động đồng bộ, thông suốt, không bỏ trống nhiệm vụ, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân trong quá trình sắp xếp…Thực hiện công bằng, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, nhất là đội ngũ cán bộ phải đến nơi công tác mới sau sắp xếp, đội ngũ cán bộ nghỉ công tác trong quá trình tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị; Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, cụ thể hóa thành pháp luật các chỉ đạo quan điểm kinh tế, khoa học công nghệ, chuyển đổi số…

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thông tin tại Hội nghị 

Đại diện Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thông tin một số nội dung về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”

Bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nhắc tới nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối 600 loại sữa giả vừa qua, hiện tượng thức ăn đường phố, … đang là vấn đề nổi cộm hiện nay, bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị cần làm rõ đơn vị quản lý để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, không thể để hiện tượng “một mâm cơm 5 người quản lý”.

“Sản phẩm sữa giờ ai chịu trách nhiệm khi Bộ Công thương trả lời không thuộc đối tượng quản lý, thế ai quản lý 600 loại sữa này, ai quản lý thực phẩm thức ăn đường phố khi có 5.000 – 10.000 đồng/que thịt bán ở cổng trường cho các cháu học sinh, thịt bẩn hay thịt sạch, ai quản lý? Đây là vấn đề nổi lên hiện nay cần phải làm rõ ra”, nguyên Phó chủ tịch nước nói.

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Doan, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu thực tế hiện nay người dân rất băn khoăn lo lắng bất an về nhiều vấn đề nhất là giá vàng tăng đột biến, tình trạng sữa giả, thuốc giả rất nhức nhối gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Việc sáp nhập sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, người dân băn khoăn tới đây sẽ như thế nào sau khi sáp nhập “ai đi ai ở”, người thì tiếp tục làm, người phải đi xa. Hay thực trạng lừa đảo trên không gian mạng khiến người dân bất an, lo lắng.

Từ thực trạng trên, bà Thanh đề nghị, MTTQ Việt Nam cần kiến nghị với Đảng, Chính phủ sớm có biện pháp ổn định giá vàng giúp cho người dân an tâm tin tưởng. Xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, hành kém chất lượng.

“Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến để phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh hợp lý giúp đảm bảo quyền lợi người dân” bà Thanh kiến nghị.

GS.TS Trần Ngọc Đường, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng kiến nghị cần mạnh mẽ lên án, tìm giải pháp quyết liệt, có hiệu quả để giải quyết “nạn” liên quan vụ gần 600 loại sữa giả.

Ông dẫn lại việc hai doanh nghiệp Rance Pharma và Hacofood Group đã “lừa dân” trong 4 năm sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.

“Họ dùng quảng cáo nêu thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó…, nhưng thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Tiếp tay lại là những nhân vật có tiếng trong showbiz, quảng cáo rất rầm rộ, “lừa dân” đến 4 năm liền. Do đó, phải lên án, phải chấm dứt vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng phải phát hiện sớm và xử lý”, GS.TS Đường nêu thêm.

Tinh giản để đất nước phát triển

Bà Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao tinh thần làm việc, quyết tâm cao độ và ý chí phấn đấu vì Đảng, vì dân, vì nước của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ cũng như MTTQ và lãnh đạo MTTQ trong suốt thời gian qua, nhất là trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bà Nguyễn Thị Doan cho biết, bối cảnh quốc tế như hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, nhất là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật, biến đổi khí hậu… đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. Không có cách nào khác, Việt Nam phải đổi mới. Việt Nam phải có bước đi khác. Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, cuộc cách mạng về sáp nhập, tôi cho là đúng và chúng ta phải thống nhất, quyết tâm để thực hiện.

“Những quyết sách vừa qua của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, sự triển khai của Chính phủ, MTTQ Việt Nam là việc chúng ta ấp ủ từ lâu rồi, việc mà các cơ quan rất nhiều năm đã xảy ra tình trạng một số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Việc này đã được nói từ nhiệm kỳ khóa 8, khóa 9, khóa 10 đến bây giờ mới được giải quyết”, bà Doan nêu ý kiến và cho rằng vấn đề hành chính phức tạp với rất nhiều cửa, đã làm khổ cho các doanh nghiệp, khổ cho dân, bây giờ mới được giải quyết.

Nội dung tiếp theo đó là về vấn đề sách giáo khoa, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, chúng ta đã nói rất nhiều tại sao lại nhiều bộ sách giáo khoa như thế. Khi có các ý kiến này, nhiều người cho rằng cần theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có một bộ sách giáo khoa chuẩn, sau đó các tác giả có thể viết các bộ sách tham khảo cho học sinh

“Chúng ta có tận 5-6 bộ sách giáo khoa nên có những tỉnh chọn của tác giả này 3 quyển, tác giả kia 2 quyển. Việc này sẽ rất khổ cho phụ huynh, học sinh”, bà Doan trăn trở.

Đánh giá rất cao việc sắp xếp tổ chức bộ máy mà MTTQ Việt Nam triển khai trong thời gian qua, bà Doan cho rằng, đây là việc làm hợp lý, khi sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về cơ bản không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ mà chỉ sắp xếp lại theo hướng hợp lý.

“Việc sắp xếp bộ máy ở Trung ương chính là một hình mẫu cho các địa phương sắp tới triển khai việc sáp nhập để mỗi địa phương sẽ quyết tâm cao hơn, triển khai nghiêm túc hơn. Trong thực hiện quyết tâm cao độ này, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các Hội đoàn thể đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong điều kiện “nước sôi, lửa bỏng” trong điều kiện chúng ta thực hiện đổi mới thì chúng ta cũng phải có giải pháp “nước sôi lửa bỏng” như thế”, bà Doan nêu rõ.

Đề cập đến nội dung Nghị quyết 57/NQ-TW về việc thu hút nhân tài, bà Doan cho biết thực tế hiện nay, rất nhiều cháu học sinh đạt huy chương vàng quốc tế hoặc học giỏi các môn toán, lý, hóa nhưng không chọn thi vào lĩnh vực khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản mà lại thi vào lĩnh vực tài chính, kinh doanh, … Do vậy trong một thời gian dài, đất nước ta bị “hẫng” một đội ngũ kỹ sư và những người nghiên cứu cơ bản, để gỡ nút thắt cho vấn đề này, bà Doan đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để thu hút nhân tài, có chế độ, chính sách ưu đãi cụ thể, phù hợp với nội dung Nghị quyết như: miễn 50% học phí và có học bổng để khuyến khích, thậm chí dành kinh phí để các cháu thi vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản được đi học tập, đào tạo ở nước ngoài.

Liên quan đến học tập suốt đời, bà Doan đề cập tới nội dung 3 bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây. Để quốc gia phát triển, muốn thực hiện được những vấn đề mà đất nước kỳ vọng bà Doan cho rằng phải có kế hoạch để đẩy mạnh phong trào “học tập suốt đời”, phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cụ thể, sớm xây dựng cơ chế, chính sách để tạo nguồn nhân lực xanh trong thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch bày tỏ sư ủng hộ và đồng tình rất cao đối với chủ trương của Đảng tiếp tục xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn theo mục tiêu tinh gọn mạnh hiệu năng hiệu lực hiệu quả

Vì vậy việc nghiên cứu để sửa đổi các dự án Luật có liên quan đến chủ trương là việc làm cần thiết và khẩn trương. Tuy nhiên cũng cần thận trọng và đúng với chủ trương của Đảng.

Đối với Luật MTTQ Việt Nam và các Luật liên quan như Công đoàn, Thanh niên cần làm rõ 2 các quan điểm của Đảng về “hợp nhất” và “trực thuộc”.

Ông Đường cho biết, trong Kết luận số 126-KL/TW, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị có đề cập đến hợp nhất các tổ chức chính trị xã hội các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

“Quan điểm hợp nhất của đảng nên hiểu như thế nào. Có thể hiểu là hợp nhất là hợp nhất bộ phận hành chính của các tổ chức này để tinh giản bộ máy hành chính. Hợp nhất cũng có thể hiểu là hợp nhất nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức hoạt động. Ngoài ra cần làm rõ việc các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thế nào. Vậy các tổ chức này có tính độc tập tương đối hay không hay hòa vào Mặt trận”, ông Đường băn khoăn và cho rằng phải hiểu rõ hai quan điểm này của Đảng thì mới thể chế hóa được các dự án Luật.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị – xã hội về với mái nhà chung của Mặt trận là vấn đề có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Vì thế việc sửa Luật MTTQ Việt Nam lần này nên nghiên cứu để thể hiện sâu sắc chủ trương này.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, tại trang10 dự thảo có đoạn: “Nhân dân phấn khởi về quyết định của Bộ Chính trị thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông trên phạm vi cả nước, thực hiện từ tháng 9/2025…”. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta, bên cạnh các cháu đang học các trường công lập thì còn hàng vạn các cháu do nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau mà đang học ở các trường ngoài công lập. Vì vậy, sẽ tốt hơn nhiều nếu Đảng và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để có thể hỗ trợ cho các cháu học ở các trường ngoài công lập được hưởng sự ưu việt của chính sách nhân văn này.

“Cùng một cấp học ở cùng một địa phương, các cháu học ở công lập được miễn học phí bao nhiêu thì các cháu học ở khu vực ngoài công lập cũng được nhà nước hỗ trợ cho một khoản bấy nhiêu”, ông Pha chia sẻ

Về thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, theo ông Pha, để giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp bộ máy các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, Nhà nước dự kiến sẽ phải chi ra một khoản ngân sách rất lớn với nhiều ngàn tỉ đồng. Vấn đề này cũng gây xôn xao trong dư luận nhân dân và các diễn đàn mạng xã hội. Tuy nhiên, có thể nói, việc tinh giản bộ máy chắc chắn sẽ giúp cho ngân sách tiết kiệm được rất lớn, thậm chí là cực lớn, ít nhất cũng từ 3 nguồn: Không phải trả lương cho những người thôi việc; giảm chi cho bộ máy hoạt động; việc xử lý hàng ngàn trụ sở các cơ quan, tổ chức, đều ở những khu đất vàng sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng sớm tính toán việc tăng thu ngân sách từ các nguồn trên để thông báo công khai nhằm tăng niềm tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào chủ trương tốt đẹp này.

Góp ý về dự án Luật MTTQ Việt Nam, ông Pha cho rằng, việc các tổ chức thành viên, nhất là các tổ chức chính trị – xã hội về với mái nhà chung của Mặt trận là vấn đề có ý nghĩa lịch sử trọng đại, vì thế việc sửa Luật MTTQ Việt Nam lần này nên nghiên cứu để thể hiện sâu sắc chủ trương này. Do đó, cần xây dựng một chương mới và các điều khoản chi tiết về các tổ chức thành viên của Mặt trận.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN