Trang chủKinh nghiệm và Thực tiễnCuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá...

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” tại thành phố Hải Phòng

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng là nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về văn hóa. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong toàn xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đã lan tỏa rộng sâu rộng trong đời sống xã hội. Nhâp dịp này, chúng tôi xin gửi bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mặt trận số 86 của ông Nguyễn Văn Tạo, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố về tình hình và kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dan cư” tại Hải Phòng.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết toàn dân tộc”; thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tri số 04 và số 34 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng và Hướng dẫn số 32 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc về việc “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong tình hình mới”, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã chủ động tham mưu cho Thành uỷ, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thực hiện cuộc vận động từ tháng 7-1995 và triển khai ra toàn thành phố từ tháng 1-1996. Tính đến hết ngày 30-6-2010, có 15 huyện, quận, xã, phường, thị trấn thực hiện theo Quyết định 1772/QĐ của Uỷ ban nhân dân thành phố với 2.534 thôn và tổ dân phố (có 1.253 tổ dân phố) triển khai thực hiện 6 nội dung cuộc vận động, có 94,9 % số hộ ký cam kết xây dựng gia đình văn hoá.

Thông qua việc thực hiện 6 nội dung cuộc vận động theo Thông tri số 04; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” lần 1 và lần 2; 5 tiêu chuẩn xây dựng Làng văn hóa, Khu dân cư văn hoá, 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hoá, các Khu dân cư trong thành phố đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng từ mỗi địa bàn dân cư.

Phong trào “Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”: Trong 15 năm thực hiện cuộc vận động đã vận động mọi nguồn lực tham gia, được trên 1.000 tỷ đồng cho 264.000 lượt hộ nghèo vay vốn, phát triển sản xuất, đào tạo nghề miễn phí cho nhân dân trong những nơi có dự án đi qua và các gia đình hộ nghèo để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời còn huy động trên 300 tỉ đồng và hàng vạn ngày công từ các khu dân cư trong thành phố, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đường, trường, trạm trại, cứng hoá các kênh mương, điện thắp sáng, vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt…, điển hình như Khu dân cư Lý Tự Trọng (phường Minh Khai, quận Hồng Bàng); Khu dân cư Cá Hộp 2 (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền); tổ dân phố 1A (thị trấn Cát Bà); Khu dân cư số 2 (phường Lãm Hà, quận Kiến An);… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở cộng đồng dân cư.

Đoàn kết phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái”: Từ năm 2004 đến năm 2009, toàn thành phố đã vận động xây dựng quỹ được trên 70 tỉ đồng để xây mới và sửa chữa 7.245 ngôi nhà tình nghĩa, 96 nghĩa trang và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, xây và sửa 12.467 mộ liệt sỹ, tặng 10.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng 134 Mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu giúp cho hàng trăm vợ liệt sỹ cô đơn, con thương binh, liệt sỹ. Nhiều hoạt động tình nghĩa đa dạng phong phú theo hướng xã hội hóa, đã góp phần thực hiện không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, như: Khu dân cư Đinh Tiên Hoàng (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng), Khu dân cư số 2 (phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền), Khu dân cư Nguyễn Hữu Cầu (phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn). Đặc biệt là các phường của quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền,… còn có phong trào “Thắp hương nhân ngày giỗ liệt sỹ”.

Các hoạt động nhân đạo, từ thiện ngày càng được Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các khu dân cư quan tâm, chăm lo giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống. Đã duy trì trợ cấp thường xuyên cho trên 2.000 đối tượng với mức 100 – 200 nghìn đồng/ người/tháng; cho người già cô đơn, trẻ mồ côi, các cháu tật nguyền của cả thành phố với số tiền trên 5 tỉ đồng. Trợ cấp đột xuất cho trên 10.000 đối tượng, tặng trên 1.000 xe lăn cho người tàn tật, tổ chức 10 lớp học tình thương. Dạy nghề miễn phí cho trên 500 cháu nhiễm chất độc da cam. Các khu dân cư trong thành phố với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã quyên góp ủng hộ trên 6 tỉ đồng để giúp một số tỉnh miền Trung, miền Nam, một số tỉnh miền núi phía Bắc bị thiên tai bão lũ, các nước khu vực Nam Á bị thiệt hại do động đất, sóng thần… như: Khu dân cư số 2 (phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền), Khu dân cư Quý Kim (Hợp Đức, quận Đồ Sơn), Khu dân cư số 1 (phường Lãm Hà, quận Kiến An), Khu dân cư số 2 (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân), Khu dân cư số 2 (phường Minh Khai, quận Hồng Bàng), Khu dân cư Thành Tô (phường Cát Bi, quận Hải An)…

Đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương: Cuộc vận động đã phát huy vai trò dân chủ của dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 03/NQ-TW và Thông tri số 17/TT-MTTW về Mặt trận Tổ quốc tham gia thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm ở thành phố và địa phương, đơn vị; giám sát việc nâng cấp sửa chữa các trạm trại y tế theo kiến nghị của cử tri, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại các huyện, quận và các ngành.

Hoạt động thanh tra nhân dân, hoạt động giám sát cộng đồng thông qua việc phát hiện và đơn thư kiến nghị của nhân dân, đã tiếp hàng ngàn lượt người phát hiện và kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu lại của nhân dân; các vụ việc bức xúc trong nhân dân phần lớn đã được hòa giải tại cơ sở; các dự án đầu tư cộng đồng được giám sát chặt chẽ bảo đảm về chất lượng, tiến độ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Thông qua việc thực hiện cuộc vận động gắn với việc triển khai thực hiện Nghị định số 87/NĐ-CP và 88/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 26 và 15 của Thành ủy Hải Phòng, các khu dân cư đã và đang hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; có 743 khu dân cư và làng văn hóa đạt danh hiệu cấp huyện; 6 khu dân cư văn hóa tiêu biểu được tặng Bằng khen của Uỷ ban nhân dân thành phố. Khu dân cư số 2 (phường Lãm Hà, quận Kiến An) được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Phối hợp với Thành đoàn Hải Phòng xây dựng 1.215 chi đoàn dân cư văn hóa; có 92,4% đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, hàng năm có từ 75-86,5% số hộ đạt gia đình văn hóa; tiêu biểu như Khu dân cư số 3 (phường Cát Dài, quận Lê Chân), Tổ dân phố Lãm Khê (phường Đồng Hòa, quận Kiến An), Tổ dân phố Phú Xá (phường Đông Hải 1, quận Hải An), Tổ dân phố Thủy Giang (phường Hải Thành, quận Dương Kinh); Khu dân cư Trung Dũng (phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn); Chùa cảnh tinh tiến Dư Hàng (phường Hồ Nam, quận Lê Chân); chùa An Đà (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền)… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở cộng đồng dân cư.

Chăm lo sự nghiệp giáo dục: Thành phố có 1.572/1.745 khu dân cư (tỉ lệ 90,09%) không có trẻ em trong độ tuổi bị thất học, bỏ học; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, chương trình sức khỏe nông thôn, vệ sinh môi trường… lồng ghép xây dựng mô hình “Khu dân cư, làng văn hóa sức khỏe” và mô hình “Tổ dân phố tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư”. Xây dựng cảnh quan xanh – sạch đẹp, sống thân thiện với môi trường.

Đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, tổ chức tốt ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư: Mặt trận Tổ quốc thành phố tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; phát triển thêm các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận; các tổ chức thành viên kết nạp thêm nhiều hội viên, đoàn viên làm lực lượng hạt nhân nòng cốt trong sinh hoạt của các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng và các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự đa dạng, phong phú về tổ chức và hoạt động, làm cho Mặt trận Tổ quốc ngày càng mang tính tiêu biểu, tính liên kết, tính quần chúng sâu sắc và thể hiện rõ hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác tham gia triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (nay là Pháp lệnh dân chủ) ở xã, phường, thị trấn: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thường xuyên chủ động tuyên truyền, triển khai thực hiện gắn với 6 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận. Phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế và đề xuất với chính quyền cùng cấp có biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời, đạt kết quả, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước ở địa phương.

Trên cơ sở 6 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, mỗi địa phương, đơn vị đang chỉ đạo nhiều mô hình tự quản khác nhau như: “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư xuất sắc”, “Khu dân cư 5 không”, “Khu dân cư 3 quản 4 giữ”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư vùng giáo sống tốt đời đẹp đạo”, “Khu dân cư vùng giáo bình an”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ an ninh trật tự”, “Liên kết cụm an ninh khu vực” giữa các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đứng chân trên địa bàn dân cư; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư”, “Khu dân cư đoàn kết tự quản bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp, bình yên”; mô hình “Chi đoàn văn hóa”; “Công sở văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”… và tiêu biểu là mô hình “3 quản 4 giữ” trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được nhân rộng ra toàn quốc, mô hình “Tự quản bảo vệ môi trường” đạt kết quả thiết thực, nay đã nhân rộng ra toàn thành phố. Tất cả các mô hình trên được qui tụ về một mối thống nhất làm nền tảng vững chắc, góp phần xây dựng Khu dân cư văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Gia đình văn hóa. Tất cả đều hướng tới mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và lấy sức dân lo cho dân.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở Hải Phòng 15 năm qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở quan tâm lãnh chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể quần chúng đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia phong trào, đạt được kết quả: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường hè, vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo”; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà đại đoàn kết. Có thể khẳng định cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã cơ bản đạt được mục tiêu; giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết cộng đồng; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tăng cường mở rộng và thực hiện qui chế dân chủ; tạo sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh về tinh thần và vật chất to lớn làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo nên sự phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của thành phố.

Từ thực tiễn 15 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, thành công của cuộc vận động trong những năm qua có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức thành viên, các đoàn thể quần chúng cùng toàn thể nhân dân. Những nơi nào được lựa chọn xây dựng mô hình điểm, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết nhân rộng các mô hình các điển hình tiên tiến, xuất sắc, thì nơi đó triển khai cuộc vận động đạt tỉ lệ cao.

Hai là, việc nâng cao chất lượng cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước hàng năm ở một số đơn vị chưa đồng đều, do nhận thức chưa sâu sắc, chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động nên một số Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc cơ sở chưa quyết tâm khắc phục khó khăn…, sự phối kết hợp giữa Mặt trận với các ngành, các tổ chức thành viên và giữa các thành viên với nhau còn thiếu sự thống nhất, cơ chế phối hợp chưa thật đồng bộ và chặt chẽ vì một số nơi còn tư tưởng coi cuộc vận động là của riêng Mặt trận.

Ba là, việc xét công nhận Khu dân cư tiên tiến, Khu dân cư xuất sắc ở cơ sở chưa được thường xuyên, có nơi còn hình thức.

Bốn là, công tác động viên khen thưởng chưa được đổi mới, hình thức khen chưa có sự thống nhất cao, cần có sự vào cuộc và thống nhất của các ngành, các tổ chức thành viên, cùng tham gia xét, tuyển chọn thì chất lượng đối tượng được khen sẽ tiêu biểu hơn.

Năm là, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nói riêng và Ban Vận động ở cơ sở có nơi chưa thực hiện đầy đủ qui chế đề ra.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

1/ Đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có sự chỉ đạo tập trung, nhằm tiếp tục hướng dẫn vận dụng và cụ thể hóa 6 nội dung của cuộc vận động thành các chỉ tiêu phấn đấu cho phù hợp với từng địa phương, từng tổ dân phố. Cần lưu ý hướng dẫn cơ sở bổ sung những nội dung mới, những yêu cầu mới của Đảng và Chính phủ, như: Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện Pháp lệnh về thực hành tiết kiệm, về phòng chống tham nhũng; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong đó cần chú ý nội dung đoàn kết phát huy dân chủ trực tiếp, giữ gìn kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo pháp luật, theo quy ước, hương ước của cộng đồng; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục trong nhân dân, bảo vệ di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời, Mặt trận các cấp cần khéo kết hợp các nội dung trên vào kế hoạch chung của cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước khác.

2/ Tích cực đổi mới nội dung, hình thức hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, gắn với tổ chức có hiệu quả và đi vào chiều sâu cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; đẩy mạnh nếp sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động trong thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước. Mặt trận các cấp cần xây dựng chương trình, mục tiêu phấn đấu thực hiện cuộc vận động ở địa phương mình, bảo đảm hàng năm có hầu hết các tổ dân phố, thôn thực hiện cuộc vận động trong đó có từ 85% gia đình văn hóa trở lên; 25 – 30% tổ dân phố, đạt thôn tiên tiến, 10 – 15% tổ dân phố, thôn đạt xuất sắc.

3/ Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở thành phố cũng như ở địa phương về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc, những mô hình hay, những kinh nghiệm tốt rút ra từ quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc vận động… Đồng thời tăng cường kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện cuộc vận động, quan tâm giúp những nơi còn khó khăn tổ chức thực hiện cuộc vận động.

Tăng cường sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận, giữa Mặt trận với chính quyền các cấp. Tạo sức mạnh tổng hợp và những điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao.

4/ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với cấp ủy Đảng vận dụng tinh thần nội dung phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Hàng năm, tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11), tổng kết cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” để đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động, xét công nhận Khu dân cư (Tổ dân phố) tiên tiến, xuất sắc. Kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, gia đình, dòng họ, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động và công nhận các Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa nhằm góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc vận động, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Hải Phòng; cộng tác viên đề tài cấp bộ KHMT 1.4.10

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN