TRÍCH LƯỢC LỊCH SỬ MĂT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (1930-2019)
Thành phố Hải Phòng được thành lập đến nay đã hơn một thế kỷ (1888), trên cơ sở của một miền đất cổ có bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa xã hội lâu đời.
Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: Từ xa xưa, người Việt cổ đã sớm có mặt ở miền đất này. Các di chỉ khảo cổ Cát Bèo (Cát Bà) thuộc văn hóa Hạ Long; Tràng Kênh (Thủy Nguyên) thuộc văn hóa Phùng Nguyên; Việt Khê (Thủy Nguyên) và Núi Voi (An Lão) thuộc văn hóa Đông Sơn thể hiện quá trình phát triển kế tiếp nhau của cộng đồng dân cư và của nền kinh tế xã hội cách đây từ 6.500 năm đến 2.600 năm. Tiếp theo, trong suốt nghìn năm đấu tranh chống ách đô hộ nước ngoài và xây dựng nền tự chủ dân tộc, vùng đất Hải Phòng đã thu hút đông đảo dân chúng đến khai hoang, lấn biển, tạo lập ruộng đồng, phát triển nghề nông, nghề ngư và các nghề thủ công; thợ thủ công ngày càng đông đúc và trở thành chủ nhân của miền đất sóng gió, miền đất “dâu” bảo vệ quốc gia ở vùng Đông bắc Đại Việt.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX đầu thể kỷ XX, cùng với quá trình đầu tư và khai thác thuộc địa, đô thị hóa, từ làng chài nhỏ bên sông Cấm, một thành phố Cảng trung tâm kỹ nghệ thương mại được hình thành. Hải Phòng nhanh chóng được cuốn hút vào thị trường thế giới, bản đồ thế giới xuất hiện địa danh Cảng Hải Phòng. Cũng như ở các tỉnh lỵ Việt Nam trong quá trình phát triển Hải Phòng đã diễn ra quá trình hội.. lớn và phân hóa giai cấp sâu sắc, cuộc hội cư này diễn ra ồ ạt. Cả Hải Phòng là một công trường lớn thu hút đông đảo lao động, những người buôn bán, kinh doanh, nông dân khắp các tỉnh Bắc kỳ đến kiếm việc làm. Họ trở thành thợ xây dựng thành phố, công nhân Cảng, công nhân các nhà máy như: nhà máy xi măng, máy tơ, máy chai, phốt phát, thủy thủ trên tàu biển, tàu sông… Các nhà sản xuất kinh doanh cũng hình thành. Họ mở cửa hiệu, nhà hàng đầu tư vào sản xuất, dịch vụ, giao thông vận tải… Như vậy, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ trong đó có cả Hải Phòng đã chuyển biến từ một xã hội phong kiến thành chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Từ chỗ có 2 giai cấp chính là nông dân và địa chủ phong kiến nay phân hóa thành giai cấp công nhân, tư sản và tiểu tư sản. Hải Phòng là địa bàn có đầy đủ các giai tầng trong xã hội thuộc địa và nửa phong kiến. Lực lượng đông đảo nhất vẫn là nông dân và giai cấp công nhân, tất cả đều bị đế quốc và phong kiến bóc lột nặng nề. Chính sách sưu cao, thuế nặng, chiếm đoạt ruộng đất của thực dân, phong kiến, địa chủ đã làm cho nông dân bị phá sản, bần cùng hóa. Tình trạng không có việc làm ở nông thôn diễn ra gay gắt buộc nông dân phải ra thành phố, vùng mỏ hoặc đồn điền cao su Nam bộ, đi Tân thế giới để sinh sống và Hải Phòng là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, trong đó có một bộ phận không nhỏ là người Hoa. Tính đến năm 1930, công nhân Hải Phòng có tới trên 30.000 người, Cùng với đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ công nhân Hải Phòng có những đặc điểm riêng: ra đời sớm, lực lượng đông đảo, sống tập trung, có kỹ thuật cao, năng động, nhạy bén, sớm có sự giao tiếp quốc tế. Công nhân Hải Phòng sớm trở thành lực lượng xã hội tiên tiến và đi đầu trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.
Các giai tầng ở Hải Phòng thời kỳ 1930: giai cấp địa chủ ở nông thôn Hải Phòng có số lượng không nhiều như ở nông thôn Kiến An (khoảng 836 địa chủ) và chiếm cũng rất ít số ruộng đất. Số địa chủ chiếm 100 mẫu chỉ có 11 người, phần đông số địa chủ đã tích cực tham gia ủng hộ, giúp đỡ cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tư sản Việt Nam ở Hải Phòng ra đời trong và sau chiến tranh thế giới thứ nhất, họ bị tư sản nước ngoài chèn ép làm cho phá sản. Tư sản ở Hải Phòng có số lượng đông nhưng nhỏ bé về kinh tế, phụ thuộc, non yếu về tài chính và vị thế chính trị. Những nhà tư sản lớn nổi tiếng trong sản xuất, kinh doanh là Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà… đều bị tư sản Pháp, Hoa chèn ép, làm cho phá sản, số tư sản mại bản không nhiều. Tư sản Việt Nam ở Hải Phòng có tinh thần chống đế quốc, phong kiến, ủng hộ chủ trương cách mạng giành độc lập.
Tiểu tư sản thành thị gồm trí thức, học sinh, giáo viên, viên chức, tiểu thương, thợ thủ công, tiểu chủ và những người làm nghề tự do. Số tiểu chủ bị chèn ép luôn ở vào tình trạng thua lỗ, bị phát mại tài sản, khánh tận; phần đông họ là trí thức yêu nước, khao khát tự do, dân chủ, đau xót trước hoàn cảnh mất nước, nhân dân trở thành nô lệ. Lịch sử cách mạng Hải Phòng đã ghi nhận vai trò đặc biệt của nhiều thanh niên, trí thức trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và hoạt động cách mạng.
Dù địa vị kinh tế, xã hội của mỗi giai cấp khác nhau nhưng họ đều xuất thân từ cộng đồng dân tộc Việt Nam, cùng nguyện vọng chống ách thống trị, bóc lột của nước ngoài và mong muốn nước nhà độc lập, tự do. Đó chính là nền tảng cơ bản để Đảng cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập và phát triển Mặt trận Dân tộc thống nhất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thành phần dân cư Hải Phòng có một bộ phận khá đông người Hoa, họ có mặt ở Hải Phòng vào thế kỷ 19 phần đông họ là công nhân lao động. Một số tư sản người Hoa phát triển, hoạt động khá mạnh trong ngành dịch vụ, cơ khí… cộng đồng người Hoa cần cù lao động, kinh doanh có mối quan hệ mật thiết với người Việt, có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của dân tộc ta.
Quá trình phát triển cộng đồng và kinh tế-xã hội, các tôn giáo, tiêu biểu là phật giáo, thiên chúa giáo từng bước du nhập vào Hải Phòng. Phật giáo du nhập vào Hải Phòng từ đầu công nguyên, đến đầu thế kỷ X Phật giáo phát triển một cách mạnh mẽ. Thiên chúa giáo du nhập vào Hải Phòng từ thế kỷ 17, 18 và phát triển mạnh vào thế kỷ 19. Những người theo đạo Phật và đạo Thiên chúa chiếm một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng dân cư Hải Phòng và có vai trò quan trọng trong xã hội. Đại bộ phận họ là lao động chân chính, cần cù, luôn cùng dân tộc đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm tròn bổn phận của người công dân sống tốt đời đẹp đạo.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các giai cấp, các thành phần dân cư, các ngành, các giới nhân dân ở Hải Phòng luôn đoàn kết, phấn đấu phát triển kinh tế-văn hóa và đấu tranh giải phóng, bảo vệ đất nước. Khai hoang, lấn biển, cải tạo đồng đất, vươn ra biển, chống chọi với bão tố để xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế trở thành truyền thống của người dân Hải Phòng. Ở miền đất đầy sóng gió, bão biển khắc nghiệt, người Hải Phòng cũng làm lên một bản sắc văn hóa riêng để lại những dấu ấn đậm nét góp phần vào nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Người Hải Phòng có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và bảo vệ đất nước. Mở đầu truyền thống đánh giặc là hình tượng nữ tướng Lê Chân dẫn đầu đoàn quân dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh giặc phương Bắc để giành lại chủ quyền dân tộc. Tiếp các thế kỷ sau đó Hải Phòng còn gắn liền với những chiến công hiển hách ba lần đánh thắng quân giặc trên sông Bạch Đằng (năm 938, 981 và 1288) với cuộc kháng chiến chống Minh (thế kỷ 15), kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ 19; Hải Phòng còn là địa bàn của cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thế kỷ 16, 18 và đầu thế kỷ 19 chống lại triều đình phong kiến thối nát, bảo vệ quyền lợi người nghèo.
Nhìn lại chiều dài lịch sử đất nước trước khi có Đảng cộng Sản Việt Nam ra đời và hình thành Mặt trận Dân tộc thống nhất, Hải Phòng là một địa bàn có đông đảo các giai tầng xã hội cùng nhau đoàn kết lao động, đánh giặc và sáng tạo ra những yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể khá đậm nét hòa chung vào nền văn hóa dân tộc. Giai cấp nông dân, một bộ phận yêu nước trong giai cấp tư sản, tiểu tư sản và giai cấp công nhân đoàn kết trên nền tảng hai giai cấp đông đảo nhất, cách mạng nhất là nông dân và công nhân. Đây chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Hải Phòng hình thành Mặt trận đoàn kết dân tộc, vượt qua những khó khăn, trở ngại của lịch sử để đưa Việt Nam trở thành nước độc lập, tự do, hạnh phúc và hòa chung vào sự phát triển của nhân loại.
Trích: Mở đầu cuốn lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng (1930-2002) của Nhà xuất bản Hải Phòng.
CÁC KỲ ĐẠI HỘI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM T.P HẢI PHÒNG
ĐẠI HỘI LẦN THỨ I
Ngày 25/10/1955 Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng được tiến hành trọng thể. Đại hội thảo luận và thông qua chương trình hành động bầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố gồm 29 ủy viên và bầu cụ Thi Sơn làm Chủ tịch.
Mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết nhân dân thành phố, tăng cường công tác tư sản vận, trí thức vận, tôn giáo vận, Hoa vận… Đặc biệt Mặt trận đã phát động phong trào chống cưỡng ép di cư đồng bào hồi cư; đấu tranh đòi Mỹ, Diệm nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử đúng thời hạn, phản đối bầu cử riêng rẽ…
ĐẠI HỘI LẦN THỨ II
Ngày 01/01/1963 thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An hợp nhất thành thành phố Hải Phòng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hợp nhất cử ông Cụ Hoàng Mậu làm Chủ tịch.
Tháng 7/1963 Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng (hợp nhất) xác định nhiệm vụ của công tác Mặt trận là: phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đoàn kết đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước và nhiệt tình xây dựng chủ nghĩa xã hội và tinh thần tự lực cánh sinh, sáng tạo của nhân dân để tiến lên những bước mới. Công tác Mặt trận phải thâm nhập hơn nữa xuống cơ sở, đi sâu hơn nữa vào sản xuất, quản lý kinh tế, cải tiến kỹ thuật, xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa… Đặc biệt tuyên truyền và vận động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi thi đua của Chủ tich Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”…
ĐẠI HỘI LẦN THỨ III
Tháng 10/1971 Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ III được tổ chức. Đại hội lần này khẳng định thành tích to lớn của Mặt trận Tổ quốc thành phố trong việc đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng giành thắng lợi to lớn trên nhiều mặt. Thực hiện Chỉ thị 49 (khóa I) của Ban Thường vụ Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố giành nhiều thời gian cho công tác vận động giáo dân, trí thức và đối với các Đảng phái chính trị (Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ). Thực hiện chỉ thị số 4; Chỉ thị số 11 (khóa 1) của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác Phật giáo, Tin lành và Thiên chúa giáo đạt kết quả tốt; tập trung sức người, sức của vì Miền nam thân yêu.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV
Trung tuần tháng 12/1974, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiến hành Đại hội lần thứ IV.
Đại hội tập trung đánh giá tình hình và những thắng lợi của nhân dân thành phố trong 3 năm (1971-1974). Kiểm điểm công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ và động viên các tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị như: khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khôi phục sản xuất, chống tiêu cực trong quản lý kinh tế-xã hội, củng cố quan hệ sản xuất, đảm bảo an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng Miền nam thống nhất đất nước.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ V
Từ ngày 31/01 đến 04/02/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội đã quyết định thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền thành một mặt trận chung, lấy tên là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau Đại hội, ngày…/…/1977 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Đại hội lần thứ V.
Đại hội lần thứ V của thành phố quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Mặt trận. Trọng tâm là tăng cường phối hợp hành động, thực hiện chương trình 8 điểm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiện toàn hệ thống tổ chức Mặt trận theo điều lệ mới.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI
Ngày 31/3 và 1/4/1980
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố được tổ chức trọng thể.
Đại hội đã đánh giá rõ những kết quả cùng những tồn tại bất cập của công tác Mặt trận. Bám sát nhiệm vụ chính trịcủa thành phố. Đại hội đã xác định phương hướng nhiệm vụ của công tác Mặt trận trong hai năm 1980 – 1981: Tăng cường củng cố và mở rộng Mặt trận, phát huy sức mạnh đoàn kết, vai trò làm chủ tập thể, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố…
Đại hội đã hiệp thương cử 67 vị đại biểu đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố. Ông Nguyễn Mạnh Ái được bầu làm Chủ tịch.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ VII
Ngày 14/9/1983 Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ VII được tổ chức trọng thể.
Đại hội quán triệt Nghị quyết Đại hội V của Đảng. Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ VIII các chủ trương mới của Trung ương và Thành ủy về công tác mặt trận. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận thành phố nhiệm kỳ 1983 – 1985: khai thác khả năng tiềm tàng của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, các đoàn thể, dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhà nước và thành phố.
Đại hội đã hiệp thương cử 115 đại biểu đại diện cho các đoàn thể, tổ chức xã hội, các ngành và cá nhân tiêu biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố. Ông Nguyến Mạnh Ái được bầu lại làm Chủ tịch. Đến giữa nhiệm kỳ Ông Ái được nghỉ hưu (theo chế độ). Bà Võ Thị Hoàng Mai được cử làm Chủ tịch thay Ông Nguyễn Mạnh Ái
ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII
Tháng 01/1989 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII được tổ chức.
Đại hội đánh giá những kết quả đạt được của công tác Mặt trận trong 5 năm (1983-1988), biểu dương tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, tham gia xây dựng và bảo vệ thành phố của các tầng lớp nhân dân. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội xác định 6 nhiệm vụ cụ thể của các cấp Mặt trận để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã đề ra. Đại hội đã hiệp thương cử 95 vị đại biểu đại diện cho các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, các ngành và các cá nhân tiêu biểu vào Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa VIII. Ông Lê Toàn được giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố .
ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX
Tháng 6/1994 Đại hội MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ IX được tổ chức.
Đại hội kiểm điểm, đánh giá tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xuât phát từ tình hình chung của đất nước, thành phố xá định nhiệm vụ chung của công tác Mặt trận đến năm 1999. Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và mở rộng Mặt trận thống nhất, tập hợp mọi lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân, tán thành công cuộc đổi mới vào Mặt trận…
Đại hội đã hiệp thương cử 86 đại biểu đại diện cho các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, các ngành và các cá nhân tiêu biểu vào Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Ông Phạm Hồng Sơn được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ X
Tháng 6/1999 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ (nhiệm kỳ 1999- 2004) được tổ chức.
Đại hội đánh giá kết quả đạt được và những yếu kém của công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua. Đại hội đã nhất trí thông qua chương trình công tác, kêu gọi các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu phát huy nội lực, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng thành phố hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội đã hiệp thương cử 81 đại biểu đại diện cho các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, các ngành và các cá nhân tiêu biểu vào ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Ông Phạm Hồng Sơn tái cử giữ chức Chủ tịch.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XI
Tháng 5/2004 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XI được tổ chức.
Đại hội MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ XI có nhiệm vụ đánh giá tổng kết công tác Mặt trận nhiệm kỳ 1999 – 2004, nhiệm kỳ đòi hỏi phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là động lực quan trọng, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ đất nước, thành phố. Đại hội đã hiệp thương cử 91 vị đại diện các tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cá nhân tiêu biểu vào Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Ông Phạm Hồng Sơn tiếp tục được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII
Tháng 5/2009 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ XII được tổ chức.
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố lần thứ XI, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, thống nhất chương trình hành động nhiệm kỳ 2009-2014. Tham gia vào nội dung báo cáo đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố. Đại hội đã hiệp thương cử 94 vị đại biểu đại diện cho các tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cá nhân tiêu biểu vào Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Ông Phạm Quốc Huynh được cử giữ chức Chủ tịch, đến tháng 10/2010 ông Nguyễn Đình Then uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ được cử giữ chức Chủ tịch thay ông Phạm Quốc Huynh (nghỉ hưu theo chế độ).
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII
Ngày 01, 02 tháng 7/2014 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ XIII được tổ chức. Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố lần thứ XII, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019, với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại”. Đại hội đã hiệp thương cử 95 đại biểu tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. ông Nguyễn Đình Then, tái cử giữ chức Chủ tịch. Đến tháng 10/2015 ông Phạm Văn Mợi, ủy viên Ban thường vụ Thành ủy được cử giữ chức Chủ tịch thay ông Nguyễn Đình Then (nghỉ hưu theo chế độ); từ tháng 4/2018, ông Cao Xuân Liên, ủy viên Ban thường vụ Thành ủy được cử giữ chức Chủ tịch thay ông Phạm Văn Mợi chuyển công tác khác.
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV
Ngày 27, 28 tháng 6/2019 Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2019-2024) được tổ chức. Đại hội đánh giá kết quả thực hiện chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019; thông qua phương hướng, mục tiêu, chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận, chung sức xây dựng thành phố Hải phòng văn minh, hiện đại”; Phát huy tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Đồng thuận – Phát triển”, Đại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố lần thứ XIV kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo và người Hải Phòng ở nước ngoài đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống thành phố Cảng “Trung dũng – Quyết thắng” quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đại hội đã hiệp thương cử 95 đại biểu tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Ông Cao Xuân Liên, ủy viên Ban thường vụ Thành ủy tái cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban./.